Giai đoạn sau chiến tranh Đông Dương (1954-1963) Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975)

Mỹ thay thế Pháp viện trợ cho Quốc gia Việt Nam

Sau thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), ngày 8-5-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương mới bắt đầu họp. Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của chín nước thành viên Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy". Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố vào ngày 1/6/1956:

“Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [chỉ Việt Nam Cộng hòa] thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con đẻ của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”[25].

Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Ngô Đình Diệm và Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam: "Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á."[26]

Báo cáo của CIA cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành, và không ai có thể thắng Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng Tuyển cử tự do, vì ông là một George Washington của Việt Nam.[27] Do vậy Hoa Kỳ đã hậu thuẫn Quốc gia Việt Nam để cuộc tuyển cử không thể diễn ra.[28] Năm 1956, Allen Dulles đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không[29]

Tướng Edward Lansdale, chỉ huy cố vấn Mỹ ở Việt Nam

Từ đây, Mỹ chủ trương và dùng nhiều biện pháp thực hiện các ý đồ chính trị của Mỹ. Năm 1954, đội bán quân sự của Mỹ do tướng Edward Lansdale, người của CIA và đã làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang của Quốc gia Việt Nam (sau là Việt Nam Cộng hòa); xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại Philippin; bí mật đưa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự vào Việt Nam; giúp đỡ phát triển các kế hoạch "bình định Việt Minh và các vùng chống đối"[30] Đúng 20 ngày sau khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đô đốc Mỹ Sabin đến Hà Nội, họp với phái đoàn quân sự Mỹ do Lansdale đứng đầu. Một bộ phận quan trọng trong kế hoạch đó là tuyên truyền kêu gọi hơn dân miền Bắc di cư vào Nam. Điều này góp phần vào việc hơn một triệu người (đặc biệt là dân Thiên Chúa giáo) di cư vào Nam. Phần đóng góp của Mỹ cho kế hoạch này là 1.455.000 đôla, 41 lượt tàu biển và 19 máy bay vận tải.

Hiệp định Genève về Đông Dương vừa được ký kết (20-7-1954), thì Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua "kế hoạch Memphis". Tinh thần và nội dung cơ bản của kế hoạch này là "biến vĩ tuyến 17 thành một phòng tuyến ngăn chặn (chủ nghĩa cộng sản) không thể xoá bỏ được". Để lập được phòng tuyến đó cần có một tổ chức liên minh quân sự bao gồm Mỹ và các nước khác trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt.

Sau một thời gian ngắn vận động chuẩn bị, Mỹ triệu tập một hội nghị ở Đông Nam Á, bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Pakistan, Philippine, Thái Lan họp ở Manila (Thủ đô Philippine). Ngày 8-9-1954 các nước này đã ký "Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á". Như vậy, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, Mỹ đã thành lập Khối quân sự Đông Nam Á (gọi tắt là SEATO). Trong Hiệp ước này (còn gọi là Hiệp ước Manila) có điều 2, điều 4, điều 8 và một khoản phụ đặt xứ Đông Dương gồm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vào "khu vực bảo hộ" của khối Đông Nam Á.

Ngày 17-11-1954, Joseph Lawton Collins, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ được cử sang Sài Gòn làm đại sứ, đề ra kế hoạch sáu điểm:

  • Bảo trợ chính quyền Diệm, viện trợ thẳng cho Chính phủ Sài Gòn không qua tay Pháp.
  • Xây dựng lại Quân đội quốc gia Việt Nam với 15 vạn quân do Mỹ huấn luyện, trang bị.
  • Bầu cử Quốc hội Việt Nam để hợp pháp hoá chính quyền Sài Gòn.
  • Định cư cho số công giáo miền Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa.
  • Thay đổi chế độ thuế khoá, dành ưu tiên cho hàng hoá và công ty Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
  • Đào tạo cán bộ hành chính cho Diệm.

Ngày 13-12-1954, Mỹ và Pháp ký kết văn kiện cho phép các cố vấn quân sự Mỹ tham gia huấn luyện Quân đội Quốc gia Việt Nam. Mỹ thực sự từng bước đặt ảnh hưởng của mình thay thế Pháp ở miền Nam Việt Nam. Tháng 1-1955, Mỹ chính thức viện trợ quân sự trực tiếp cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngoại trưởng Mỹ, Dalles đã tuyên bố: "Đầu tư ở miền Nam Việt Nam là chính đáng. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục ủng hộ Diệm. Chúng ta không cần biết một người lãnh đạo xứng đáng nào khác"[31]

Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa

Theo Cecil B. Currey, nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Ngô Đình Diệm chỉ có một lối ra là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến kích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở Sài Gòn, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không[29]

Tháng 8-1955, Ngô Đình Diệm công khai bác bỏ tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam theo tinh thần Bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Genève. Để biến miền nam Việt Nam thành nước độc lập, tách ra khỏi Liên Hiệp Pháp, xóa bỏ mọi ảnh hưởng mang tính thực dân và đặc quyền của Pháp tại Việt Nam, ngày 23-10-1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" để phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống. Ngày 26-4-1956, Pháp đã rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Từ ngày 28-4-1956 phái đoàn MAAG của Mỹ đã tham gia huấn luyện quân đội Sài Gòn.

Đầu năm 1957, Việt Nam Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ việc này nhưng Liên Xô và một số nước khác phản đối, đơn xin bị phủ quyết.

Tính ra, từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa 7 tỷ đôla, trong đó viện trợ quân sự là 1.500 triệu đôla.[32] Trong những năm 1955-1956, Mỹ đã bỏ ra 414 triệu đôla giúp trang bị cho các lực lượng thường trực quân Việt Nam Cộng hòa, gồm 170.000 quân và lực lượng cảnh sát 75.000 quân; 80% ngân sách quân sự của chế độ Ngô Đình Diệm do Mỹ viện trợ. Từ năm 1955 đến 1960, có tất cả 800 chuyến tàu chờ vũ khí và phương tiện quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Số viện trợ này giúp Quốc gia Việt Nam đủ sức duy trì bộ máy hành chính và quân đội khi không còn viện trợ của Pháp. Quân đội Quốc gia Việt Nam dần thay thế chiến thuật và vũ khí của Pháp bằng của Mỹ.

Mỹ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự quan trọng như các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Tàu. Đến giữa năm 1956, Mỹ đã đặt ở Sài Gòn bốn phái đoàn: MAAG, TRIM, CATO, TERM và đến năm 1960 thêm hai phái đoàn: MSUUSOM. Riêng phái đoàn quân sự MAAG, năm 1954 có 200 cố vấn và nhân viên, đến năm 1960, con số đó đã lên đến gần 2.000 trong đó có 800 cố vấn quân sự.

Đầu năm 1961, khi vào Nhà Trắng, chuẩn bị công bố chiến lược "phản ứng linh hoạt", Tổng thống Kennedy tuyên bố: "Bây giờ đây, chúng ta có một vấn đề là phải làm cho thế giới tin vào sức mạnh của chúng ta, mà Việt Nam chính là nơi để thực hiện điều đó."

Nhưng suốt trong một thời gian tương đối dài, trong quan hệ đồng minh, Ngô Đình Diệm vẫn tìm mọi cách đấu tranh, hạn chế bớt sự lấn át của Mỹ khi Mỹ tỏ ra thiếu thiện chí hay muốn can thiệp quá sâu vào nội bộ miền nam Việt Nam. Năm 1963 xảy ra cuộc đảo chính của một nhóm tướng lĩnh không hài lòng với cách điều hành đất nước của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đại sứ Mỹ hỗ trợ cho cuộc đảo chính này, bao gồm của vụ ám sát Diệm - Nhu. Kết quả cả hai anh em Diệm - Nhu bị quân đảo chính bắn chết, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.

Từ năm 1962, các chính quyền Mỹ luôn tuyên bố rằng nguyên nhân Mỹ có mặt tại Việt Nam chính là để "giúp miền Nam Việt Nam chống miền Bắc xâm lược", trong khi không nhắc đến sự trợ giúp của chính Mỹ cho Pháp trước đó. Số đông nhân dân Mỹ thường ghét áp bức, bất công và xâm lược, cách tuyên truyền đó nhiều lúc kích động được tâm lý của người dân Mỹ, đồng thời cũng làm cho nhiều người trong chính giới Mỹ ủng hộ các chính sách của chính phủ Mỹ tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975) http://content.time.com/time/video/player/0,32068,... http://www.youtube.com/watch?v=5LctoUV-tag http://www.english.illinois.edu/maps/mccarthy/schr... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://avalon.law.yale.edu/wwii/atlantic.asp http://history.state.gov/milestones/1945-1952/Asia... http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenHuuThai_... http://dongduongthoibao.net/view.php?storyid=68 http://ambafrance-us.org/IMG/pdf/nff/NFF0502.pdf http://www.archive.org/stream/causesoriginsles00un...